Trước hết, cần phải khẳng định ngay rằng, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm, bảo đảm quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, coi đó là một trong những điều kiện để đảm bảo quyền con người của mỗi công dân. Điều này đã được nêu rõ trong Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin” (điều 25).
Tuy vậy, trong một bài phỏng vấn của BBC tiếng Việt đăng tải ngày 5/11/2016, cái gọi là Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (RSF) lại lớn tiếng phán rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “kẻ thù của tự do truyền thông với lý do “giai đoạn ông Trọng làm tổng bí thư thì có nhiều bloggers bị ngồi tù”. Xin thưa, đây hoàn toàn là một phát ngôn điên rồ, một luận điệu vô căn cứ. Bởi lẽ:
Chúng ta đều có thể dễ dàng nhận thấy hoạt động báo chí, truyền thông trong nước trong những năm gần đây diễn ra sôi động như thế nào. Cùng với báo giấy truyền thống, báo mạng ra đời và ngày càng phát huy được thế mạnh của mình với số lượng, tin bài đa dạng, đầy đủ, phản ánh tình hình thời sự tới độc giả. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tạo cho hoạt động truyền thông đại chúng thêm nhiều kênh mới như các mạng xã hội, blogger…
Sự lớn mạnh của hệ thống truyền thông đã giúp hình thành những diễn đàn với nhiều hình thức phong phú, sinh động để các tổ chức xã hội, mọi người dân có tiếng nói lành mạnh, đóng góp ý kiến, thậm chí phản biện đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của các cấp chính quyền. Nhiều cơ quan báo chí đã chủ động, tích cực phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, phê phán hành vi vi phạm quyền công dân cùng những biểu hiện tiêu cực khác. Nhiều cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện tại Quốc hội được truyền hình trực tiếp; việc Dự thảo Hiến pháp năm 2013 được công bố công khai để toàn dân đóng góp ý kiến; các cuộc tọa đàm, tranh luận, cung cấp thông tin nhiều chiều về các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước cũng được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng... giúp người dân tiếp cận với các vấn đề quan trọng, từ đó đưa ra ý kiến có trách nhiệm.
BBC, như thường lệ, vẫn cái lối diễn kịch không thể cũ và nhàm chán hơn: Chỉ chọn phỏng vấn những cá nhân, tổ chức thiếu thiện cảm đối với Việt Nam, vẫn mang cái miếng “nhân quyền” ra nhai lại và lấy làm cái cớ, cho rằng “tự do báo chí là nền móng của nhân quyền. Vấn đề là để có được các cuộc đối thoại nhân quyền, tự do tôn giáo hay các chủ đề mà người ta cho là nhạy cảm thì nhà báo và các cơ quan truyền thông phải đưa những thông tin này ra để các bên muốn đối thoại với nhau có thể nắm được”. Nhưng nhìn lại thực tế hoạt động truyền thông trong nước cũng như việc người dân đã và đang góp tiếng nói của mình vào các vấn đề chung của đất nước, có vẻ như những “quan ngại” của BBC là thừa thãi! Việc đưa ra một quan điểm sai trái, đầy tính chủ quan, thiếu căn cứ, đối với giới báo chí mà nói, thật chẳng hay ho gì.
Quay trở lại cái lý do mà RFS nêu ra để liệt kê Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào danh sách kẻ thù của tự do báo chí, có lẽ vì là thành viên của tổ chức “phóng viên không biên giới” nên các vị cũng không biết đâu là giới hạn. Khi bịa đặt “Việt Nam không có tự do báo chí” cũng như vu cáo người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, các vị đã quên rằng, ngày cả trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền cũng khẳng định rằng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và các quyền khác "phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ". Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mới có một số chế tài đối với hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để vi phạm pháp luật, mà ở Hoa Kỳ, CHLB Ðức, Pháp, Hàn Quốc, Singapore... đều có luật và điều khoản luật xử lý nghiêm khắc hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí. Việc một số blogger bị bắt mà RFS mang ra để làm lý do cho nhận định của mình vốn dĩ chẳng thể nói lên điều gì về tự do báo chí. Đó đơn giản chỉ là chuyện người vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mà thôi.
Và các phóng viên không biên giới, các vị liệu có khẳng định rằng sự tự do báo chí mà các vị đang thực hiện là hợp pháp không?
AN KHANG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét