Tôi luôn tự hào rằng mình là người Việt Nam. Tôi tự hào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, là con cháu của một dân tộc anh hùng, bất khuất. Bởi thế, khi đọc bài viết “Đất nước ta có bao giờ thế này không?” của ông với một giọng điệu đầy châm biếm, chỉ tập trung vào những mặt trái, những tiêu cực của mảnh đất Việt Nam này, tôi thật sự buồn và tức giận. Thưa ông Định An, tôi đồ rằng có vẻ như ông đang ấp ủ những ý đồ xấu xa lắm khi đưa ra những thông tin lấp lửng và phiến diện, hoặc nếu sự thật ông chưa hiểu biết về những thành tựu của Việt Nam trong suốt những năm qua, thì ông có thể để tôi nói cho ông một số điều:
Trước hết, về chính trị. Có thể nói từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời cho đến nay, tình hình chính trị ở Việt Nam có thể nói là ổn định. Bất chấp việc bị thực dân Pháp xâm lược hay chia cắt hai miền Nam – Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn là đảng tiền phong, dẫn dắt con tàu Việt Nam đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trước tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng và sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, giữa bao vây cấm vận của Mỹ, Việt Nam vẫn hiên ngang vượt qua muôn trùng sóng gió, chính trị ổn định. Ở Việt Nam không hề có chuyện mâu thuẫn, tranh giành quyền lực dẫn đến xung đột như ở Thái Lan, Ukraina,... Việt Nam luôn được đánh giá cao về sự ổn định chính trị, một yếu tố quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Về kinh tế, trải qua những cuộc chiến tranh tàn phá nặng nề khiến đất nước nghèo nàn, kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã từng bước đi lên từ con số 0. Từ một nước thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới (lúa gạo, cà phê, hồ tiêu...). Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay đang đứng ở mức trung bình. Một điều đáng ghi nhận nữa là trong những năm qua, bất chấp nhiều nước loay hoay trong khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu thì Việt Nam vẫn đang duy trì được các chỉ số tăng trưởng, là một trong số những điểm sáng hiếm hoi của bức tranh kinh tế toàn cầu. Đó có phải là thành tựu không khi nhiều nước phải duy trì những chính sách thắt lưng buộc bụng còn Việt Nam vẫn có thể tăng lương cơ bản, phúc lợi xã hội ngày càng được nâng cao?
Về mặt giáo dục, khoa học công nghệ: Nếu ông có cho rằng ở lĩnh vực này có gì đang chê trách thì ông nên nhớ rằng từ những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những con người Việt Nam kiệt xuất vẫn vượt qua những khó khăn, gian khổ mà đạt những thành tựu khiến thế giới phải nể phục. Đừng nói ông không biết về bác sỹ Tôn Thất Tùng với phương pháp cắt gan khô? Hay việc Việt Nam vẫn đều đặn giữ những thứ hạng cao trong những kì thi Olympic quốc tế? Và ông cũng thấy chứ sự phát triển công nghệ vượt bậc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khi chính ông cũng đang dễ dàng vào mạng và thả sức chém gió thay vì nghĩ đến internet như một giấc mơ? Hãy nghĩ về điểm xuất phát của Việt Nam ra sao để thấy Việt Nam đã bước những bước dài thế nào.
Về vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế: Việt Nam đã và đang tích cực hội nhập với quốc tế. Trong một thế giới đầy phức tạp và biến động, Việt Nam vẫn khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế. Vì sao có thể nói vậy được ư? Việt Nam đã luôn được bầu giữ những vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế như thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc,... với số phiếu gần như tuyệt đối. Trong cuộc tranh chấp, xung đột giữa Thái Lan và Campuchia, Việt Nam là trung gian hòa giải. Liệu ông cũng thấy những điều đó chứ, thưa ông?
Đó chỉ là những hiểu biết của tôi về thành tựu của Việt Nam, những điều mà lẽ ra ông nên nhắc tới và ca ngợi khi viết về quê hương mình. Vẫn có những tiêu cực, vẫn có những mặt trái nhưng không thể vì thế để ông phủ nhận những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được bằng mồ hôi và xương máu của mình. Mong sao ông có thể thấy được những điều ấy, thưa ông Định An./.
AN NHIÊN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét