'Chiến thuật' học và thi trắc nghiệm

Dù muốn hay không, một thực tế đang diễn ra ở các trường phổ thông hiện nay là thầy trò đều đang dạy và học để ứng phó với kiểu thi trắc nghiệm lần đầu tiên áp dụng cho nhiều môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) học toán theo hình thức để thi trắc nghiệm
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) học toán theo hình thức để thi trắc nghiệm
Trước hàng loạt thông tin quảng cáo không được kiểm chứng trên mạng cũng như từ các trung tâm luyện thi về “mẹo” thi trắc nghiệm, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm chia sẻ với thí sinh (TS) cách để học và thi trắc nghiệm đạt hiệu quả cao.

Đọc kỹ lời dẫn ngay trong lần đầu tiên 

So với đề tự luận, hình thức thi trắc nghiệm có số lượng câu hỏi nhiều hơn nhưng thời gian làm bài ngắn hơn. Do vậy, điều quan trọng nhất để làm tốt bài thi trắc nghiệm là phân bố thời gian hợp lý. 

Theo tiến sĩ Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng ĐH Quốc gia Hà Nội, trong kỹ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm, lời dẫn bao giờ cũng nêu đầy đủ thông tin, ý nghĩa của vấn đề. Vì vậy, TS phải đọc rất kỹ lời dẫn ngay lần đầu tiên để không mất thêm thời gian đọc lại lần 2, thay vào đó dành khoảng thời gian này cho việc tư duy tính toán đáp án. Tùy môn thi và nội dung câu hỏi, TS đọc trước lời dẫn hoặc câu hỏi. Chẳng hạn với bài đọc hiểu tiếng Anh, việc đọc trước câu hỏi để xác định nội dung cần tìm trong bài đọc sẽ giúp xác định nhanh hơn câu trả lời. 

Theo tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, không nhất thiết phải thực hiện bài thi tuần tự từ trên xuống dưới. Thay vào đó, TS dành thời gian “lấy điểm” triệt để ở những câu dễ. Do vậy, khi bắt tay giải một đề trắc nghiệm, TS phải đọc nhanh và giải quyết trước những câu hỏi dạng nhận biết. Kế tiếp, ở lượt đọc thứ 2, TS trả lời các câu hỏi dạng thông hiểu rồi đến nâng cao. Ở dạng câu hỏi dễ, thời gian làm bài mỗi câu không quá 30 giây và không quá 5 phút cho mỗi câu khó. “TS cần chú ý những chi tiết, dù nhỏ nhất, để tiết kiệm thời gian. Chẳng hạn, sau khi hoàn thành từng câu, TS cần đánh dấu ngay vào đề thi để không mất thời gian đọc lại ở lần tiếp theo”, tiến sĩ Đèo chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM), thì cho rằng cần có cách làm bài khác nhau cho từng trình độ TS để đạt điểm tối ưu. Với môn lịch sử, theo đề thi minh họa thì có 10 câu ở mức độ nhận biết có thể làm trong 5 phút, 10 câu mức độ hiểu trong 10 phút và dành khoảng 20 - 25 phút cho 20 câu vận dụng còn lại. Tuy nhiên, đây là cách làm dành cho TS giỏi. Với TS trung bình và khá nên tập trung thời gian nhiều hơn cho các câu hiểu biết, tránh mất thời gian cho câu vận dụng cao. TS trung bình và yếu nên tập trung thời gian cho các câu nhận biết. “Trong 5 phút cuối giờ vẫn chưa hoàn tất bài làm, TS vẫn nên chọn vào đáp án còn nghi ngờ dù chưa chắc chắn để có cơ hội đạt điểm cao hơn là bỏ trống”, thạc sĩ Vy khuyên. 

Hạn chế tối đa dùng “mẹo” 

Theo tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn, giảng viên toán Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hiện nay có nhiều lời quảng cáo về việc dùng “mẹo” hoặc chỉ cần bấm máy tính có thể giải toán nhanh mà không cần kiến thức căn bản. Thực tế việc sử dụng máy tính có thể hỗ trợ để chọn đúng đáp án trong quá trình làm bài, nhưng nếu sử dụng cách này mà không có kiến thức căn bản, không có nội lực thì điểm không cao và kết quả rất tai hại, vì ảnh hưởng tới tư duy toán học lâu dài. “TS chỉ nên sử dụng máy tính để làm bài chứ không nên lệ thuộc hoàn toàn vào máy tính”, ông Sơn khuyên.

Tiến sĩ Sái Công Hồng cũng cho rằng TS hạn chế tối đa việc dùng “mẹo” hoặc bấm máy tính khi làm bài hoặc sử dụng đáp án ngược để tìm ra kết quả. Thay vào đó, nên làm bài theo trình tự của tư duy xuôi. “Nếu không có kiến thức mà sử dụng “mẹo” thì khả năng trật rất cao”, ông Hùng nhấn mạnh. Lý giải điều này, tiến sĩ Hồng cho biết một câu hỏi chuẩn được đưa vào đề thi đã trải qua các giai đoạn thử nghiệm thực tế trên nhiều TS trước đó. Nếu đáp án nhiễu (đáp án sai - NV) không đạt 6% người trả lời thì sẽ được xếp vào dạng đáp án “lộ” và được điều chỉnh ngay. Vì vậy, TS không nên quá kỳ vọng vào việc sử dụng “mẹo” trong đánh đáp án.

Nguồn: Hà Ánh - http://thanhnien.vn/giao-duc/chien-thuat-hoc-va-thi-trac-nghiem-756091.html

Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét