Các tác phẩm, nhân vật văn học Việt Nam trên giấy được thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM thổi sức sống mãnh liệt, xúc động bằng các vở diễn.
Tấm Cám, Chí Phèo - Thị Nở, Tnú của Rừng Xà Nu, Xuân tóc đỏ, hình tượng người lính trong tác phẩm Tây Tiến… cũng như nội dung chính của các tác phẩm Văn học được học sinh nhiều lớp của Trường Lê Quý Đôn tái hiện trong chương trình ngoại khóa với chủ đề “Tiếng vọng non sông” diễn ra vào sáng 9/11 do tổ Văn của trường thực hiện.
Trên sâu khấu các em diễn, phía dưới nhiều khách mời, học sinh bật khóc, nghẹn nghèo che những giọt nước mắt. Nhưng hơn ai hết, các em là người cảm nhận và xúc động nhất khi chính mình hóa thân vào nhân vật.
Đây là cách cảm thụ văn học bằng hình thức sân khấu hóa, học sinh thể hiện tác phẩm Văn học qua các vở kịch, múa đương đại. Các vở diễn cực kỳ công phu, đòi hỏi học sinh trước hết phải hiểu về tác phẩm. Tiếp đó là am hiểu nhiều lĩnh vực như xây dựng kịch bản, tạo hình, chọn nhân vật phù hợp, chuẩn bị trang phục, âm thanh, âm nhạc…
Chương trình với 9 tiết mục xuất sắc được chọn từ 44 tiết mục từ vòng loại toàn trường diễn ra trước đó. Các tiết mục được sắp xếp trình diễn theo trình tự dòng thời gian của văn học, dòng thời gian của dân tộc. Việc sắp xếp khéo léo này đưa người xem được trải dài theo sự thay đổi của văn học và của cả lịch sử dân tộc.
Học văn bằng diễn kịch, bằng múa, bằng âm nhạc… giúp học sinh có thêm nhiều cơ hội tiếp cận và cảm thụ văn bản theo nhiều cách khác nhau. Cách học này khơi dậy lòng yêu thích môn Văn, phát huy khả năng tổ chức, biên kịch, diễn xuất của học sinh.
Cô Đỗ Thị Bích Duyên, khách mời chương trình bày tỏ, đổi mới đối với môn Văn trước hết phải thoát khỏi cách học một chiều thầy cứ đọc và trò cứ chép, những bài làm văn của các em lại được đi sao chép, cóp nhặt. Chỉ khi các em được trải nghiệm, được hóa thân vào tác phẩm, nhân vật thì mới có thể khắc sâu vào tâm hồn, suy nghĩ của các em, mới có thể yêu thích môn Văn.
“10 giờ dạy học một chiều không bằng 2 giờ các em tự tìm tòi, thể hiện. Chắc chắn những bài học này, những bài văn này sẽ theo các em suốt cuộc đời”, cô Duyên so sánh.
Chương trình cũng kết hợp thao giảng môn Văn cho giáo viên nhiều trường ở TPHCM đến chia sẻ, trao đổi về việc đổi mới dạy học môn Văn.
Nguồn: Hoài Nam - http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hoc-van-bang-dien-kich-20161110073102892.htm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét