VỤ "NƯỚC MẮM CHỨA THẠCH TÍN VƯỢT NGƯỠNG": CÓ SỰ DÍNH LÍU CỦA VÀI CÂY BÚT BẨN

Bộ trưởng Bộ 4T, với sự cương trực, thẳng thắn vốn có của mình đã có nhận định, có thể có sự dính líu của vài cây bút bẩn trong vụ "nước mắm truyền thống chứa thạch tín vượt ngưỡng cho phép". Vâng, "cây bút bẩn" là từ ông Trương Minh Tuấn dùng mô tả những nhà báo bất lương, "đồng hành" cùng "nhóm lợi ích".

Trả lời báo chí về vụ "nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng" và trách nhiệm của báo chí, ông Tuấn đã thẳng thắn: Nếu phóng viên cẩu thả thì biên tập viên nhất định phải làm điều đó. Một thông tin liên quan đến tâm trạng của hàng chục triệu người tiêu dùng nước mắm và công ăn việc làm của hàng chục vạn người sản xuất mà được đưa một cách cẩu thả không kiểm soát, xin nói thẳng là cơ quan báo chí đó liệu có đáng được công chúng tin cậy?
Báo lái cải

Ông Tuấn cũng nói, ngoài sự cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp (do tay nghề non) thì còn có thể có sự câu kết để cố ý tạo thành một chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm "con tin" nhằm làm lợi cho doanh nghiệp này gây hại cho doanh nghiệp kia. Đó không chỉ là sự bất lương mà còn vi phạm pháp luật, bởi đã có những dấu hiệu bất thường trong "chiến dịch gây sợ hãi" về nước mắm truyền thống.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, Bộ 4T đang phối hợp với các cơ quan chủ quản báo chí quyết làm trong sạch đội ngũ những người làm báo để bảo vệ sự trong sáng và niềm tự hào của đội ngũ những người làm báo chân chính, trong đó có việc loại bỏ những phần tử lạm dụng quyền tự do báo chí, bẻ cong ngòi bút để tiếp tay cho các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của một bộ phận doanh nghiệp hoặc phục vụ các “nhóm lợi ích” một cách phi pháp.

Rõ ràng, đã có một bộ phận nhà báo đã "đồng hành" cùng "nhóm lợi ích", và họ rất giàu. Dưới đây là đoạn trích của một tham luận tại hội thảo “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp”, được Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa tổ chức mới đây: "Ở Việt Nam, có một số nhà báo giàu, rất giàu, sắm xe hơi sang, đủ tiền cho con cái du học tự túc ở Mỹ, ở Châu Âu, giá trị tài sản lớn gấp nhiều lần thu nhập từ lương và nhuận bút. Họ làm thế nào mà giàu"? "Họ thường ở vị trí thư ký tòa soạn, thư ký xuất bản của cơ quan báo chí hoặc vị trí có thể kiểm soát bài đăng. Khi thấy trong những tin, bài gửi về tòa soạn có tin, bài về tiêu cực, sai phạm tại một doanh nghiệp nào đó, họ bèn liên lạc với doanh nghiệp, và ra điều kiện để bài không được đăng… Đó là những phi vụ đơn lẻ (nhưng ở một cơ quan báo, thì một năm cũng có khá nhiều cơ hội cho những phi vụ đơn lẻ như vây). Ở tầm cao hơn, có những nhà báo, nhóm nhà báo đóng vai trò bạn ruột của một hay vài doanh nghiệp lớn, để thâm canh, bảo kê cho doanh nghiệp. Họ chuyên viết bài để PR cho doanh nghiệp đó, bên cạnh việc viết bài PR còn có thể biên tập bài vở của phóng viên khác để thêm vào nội dung có lợi cho doanh nghiệp ruột, cắt bỏ nội dung hoặc không cho đăng bài có nội dung bất lợi cho doanh nghiệp ruột. Tất nhiên doanh nghiệp kia sẽ được biết việc họ làm, và sẽ trả ơn họ. Khi doanh nghiệp ruột gặp sự cố, họ liên hệ với những đồng nghiệp có thể viết về sự cố đó để dàn xếp, mua sự im lặng. Khi đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp ruột của họ gặp scandal, đó là cơ hội để họ tổ chức tấn công đối thủ, để danh nghiệp ruột của mình hưởng lợi."

Trở lại với vụ "nước mắm truyền thống có lượng thạch tín vượt mức cho phép", Bộ trưởng Bộ 4T cũng cho rằng có thể có sự dính líu của vài cây bút bẩn. Nhà báo Nguyễn Đình Quân, trên blogger cá nhân của mình cũng phải nói: Hơn cả bẩn, có thể nói rằng họ đã phạm tội ác.

LÂM TRỰC
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét