Ý NGHĨA LỊCH SỬ, GIÁ TRỊ THỜI ĐẠI CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA 1917

Sau Cách mạng Tháng hai, nước Nga xuất hiện tình trạng hai chính quyền song song tồn tại: chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và xô viết đại biểu công nhân và binh lính. Sau khi nắm được chính quyền, chính phủ lâm thời đã không giải quyết những vấn đề đã hứa trước đó như vấn đề ruộng đất của nông dân, việc làm cho công nhân, tình trạng thiếu lương thực và nhất là quyết theo đuổi chiến tranh đế quốc đến cùng 

Đêm 24 - 10 - 1917 khởi nghĩa bắt đầu, các đơn vị cận vệ đỏ đã chiếm được những vị trí then chốt của thủ đô và bao vây cung điện Mùa Đông, nơi ẩn náu cuối cùng của Chính phủ tư sản.

Đêm 25 - 10 (7 - 11) quân khởi nghĩa đã tấn công cung điện Mùa Đông bắt giữ các bộ trưởng của Chính phủ tư sản. (Vào lúc 00h40’ đêm 25 - 10 Đại bác của các đơn vị cận vệ đã bắt đầu nả đạn vào cung điện Mùa Đông. Các chiến sĩ cận vệ đỏ từ bốn phía trực tiếp tấn công, nhanh chóng chọc thủng phòng tuyến bên ngoài, xông vào cổng chính của cung điện, toàn bộ 1050 gian phòng lớn nhỏ đều bị lục soát. Đến 1h50’ sáng 26 - 10, cánh cửa gian phòng, nơi các Bộ trưởng An-tô-nốp ốp-sen-kô dõng dạc tuyên bố “Nhân danh ủy ban quân sự cách mạng Xô Viết Pêtơrôgrát, tôi tuyên bố Chính phủ tư sản lâm thời đã bị lật đổ”.)


Ngay sau khi cách mạng vừa thắng lợi, ngày 2-11-1917 Chính phủ Xô viết đã tuyên bố bản Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga. Ngay trong đêm 7 tháng 11 năm 1917, Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ hai tuyên bố khai mạc tại điện Smoniyl và tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết do Lênin đứng đầu. Ngày 10-1-1918, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ III đã khai mạc. Đại hội quyết định hợp nhất các Xô viết đại biểu nông dân với Xô viết đại biểu công nhân và binh lính, thông qua bản "Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột". Tuyên ngôn đã trở thành cơ sở cho bản Hiến pháp đầu tiên của nước Nga Xô viết.

Cách mạng Tháng Mười thắng lợi đã làm thay đổi cục diện thế giới, đó là sự thể nghiệm thắng lợi chủ nghĩa Mác-Lê-nin trong thực tiễn, đã để lại những phương pháp cũng như những bài học kinh nghiệm vô giá cho các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội những bài học về tính tất yếu phải có chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo, về sự sáng tạo ra nhà nước kiểu mới và thực hành nền chuyên chính vô sản. Đồng thời giải quyết tốt hai nhiệm vụ giải phóng dân tộc và giai cấp; chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa vô sản quốc tế cao cả, về tính tất yếu phải liên minh giai cấp công nhân - nông dân, về đấu tranh chống các trào lưu tư tưởng chống cộng, cơ hội, xét lại.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã làm rung chuyển cả thế giới, phá vỡ mắt xích yếu nhất trong sợi dây truyền của chủ nghĩa đế quốc, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng, đó là lần đầu tiên liên minh công nhân - nông dân - binh lính, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, nhân dân nước Nga đã đồng loạt đứng lên lật đổ chế độ Nga Hoàng, lập ra nhà nước Nga Xô viết - Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đồng thời mở ra thời đại mới - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đây là chế độ tốt đẹp nhất trong lịch sử và chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành hệ tư tưởng tiên tiến của thời đại. Lần đầu tiên trong lịch sử, khát vọng ngàn đời của nhân loại cần lao mong muốn thoát khỏi cảnh áp bức, bóc lột, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc đã trở thành hiện thực sinh động của hàng trăm triệu con người, nhiều dân tộc ngưỡng vọng, phấn đấu noi theo.

Nước Nga Xô viết, tiếp sau là Liên Xô - thành quả của Cách mạng Tháng Mười - đã sáng tạo nên những giá trị Xô viết vĩ đại để nhân loại tiến bộ noi theo. Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, chính quyền Xô viết đã ban hành những sắc lệnh nổi tiếng: Sắc lệnh về Hòa bình, Sắc lệnh về Ruộng đất, đồng thời ban hành hàng loạt chính sách tiến bộ như: ngày làm 8 giờ, giáo dục không mất tiền, bình đẳng nam nữ, tự do tín ngưỡng, tách nhà thờ khỏi nhà trường… Trong hơn 70 năm (1917 - 1991), xây dựng và phát triển, Liên-Xô đã vươn lên trở thành một cường quốc có vị thế lớn trên trường quốc tế. Từ một nước Nga lạc hậu, Liên Xô đã trở thành một cường quốc công nghiệp hàng đầu; kinh tế tăng trưởng hàng năm với tốc độ bình quân vài chục phần trăm, đã từng là cường quốc đứng thứ ba thế giới. Chính trị, văn hóa, khoa học giáo dục đều có sự phát triển vượt bậc. Văn hoá Xô-viết ảnh hưởng lớn đến văn hoá các nước trên thế giới. Liên-Xô trở thành một dân tộc có nền văn hoá cao, phổ cập giáo dục rộng rãi nhất. Liên-Xô đi tiên phong trong nhiều ngành khoa học như ngành vũ trụ, hạt nhân, sinh học..., có lĩnh vực đã từng vượt Mỹ. Liên-Xô đã giải phóng hàng trăm dân tộc thiểu số ra khỏi Nước Nga Sa hoàng - nhà tù của các dân tộc, đem đến cho họ cuộc sống mới. Khắc phục những khác biệt về kinh tế - xã hội; tăng cường sự đoàn kết, hữu nghị, giao lưu hòa hợp và xích lại gần nhau giữa các dân tộc. Đời sống mọi mặt của các dân tộc được nâng cao. Quần chúng công nông được hưởng đầy đủ các quyền chính trị kinh tế văn hóa xã hội, bảo vệ sức khoẻ, chữa bệnh và nhiều giá trị khác nữa như quyền nhà ở, quyền được học hành, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo. Đó chính là những giá trị xã hội xã hội chủ nghĩa ưu việt do Liên Xô tạo nên. Đã buộc chủ nghĩa tư bản phải tự điều chỉnh, tự tô vẽ lại bộ mặt của mình theo hướng nhân văn hơn, tiến bộ hơn.

Liên Xô đã đóng góp giúp đỡ to lớn phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Chủ nghĩa xã hội hiện thực đứng đầu là Liên Xô đã từng là lực lượng lớn mạnh, có tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự to lớn, đủ sức răn đe, ngăn chặn sự hiếu chiến, xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Với sự ủng hộ nhiệt tình, to lớn của Liên Xô, phong trào giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc phát triển như vũ bão; phong trào cộng sản - công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh cho hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới lớn mạnh không ngừng. Liên Xô đã thực sự là thành trì của hoà bình, an ninh quốc tế, góp phần chủ yếu cứu loài người khỏi thảm hoạ phát xít. Nhờ đó, trong những năm 1960, có khoảng 100 quốc gia giành được độc lập dân tộc ở các mức độ khác nhau, một số nước trong đó lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội từ một nước phát triển thành một hệ thống thế giới, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt hành tinh. Nếu không có Cách mạng tháng Mười, không có sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, thì những biến đổi tiến bộ trên thế giới ắt đã bị chậm lại.

Cách mạng Tháng Mười thắng lợi đã làm thay đổi cục diện thế giới, đó là sự thể nghiệm thắng lợi chủ nghĩa Mác-Lê-nin trong thực tiễn, đã để lại những phương pháp cũng như những bài học kinh nghiệm vô giá cho các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội:

Con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu và truyền bá vào Việt Nam đã giúp cho các nhà cách mạng Việt Nam yêu nước thấy được con đường giải phóng dân tộc. Vấn đề then chốt và trước hết của cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy là phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo, đi theo con đường cách mạng vô sản, vì như Người nói: “Cách mạng Nga dạy chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công - nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải hy sinh, phải thống nhất.

Nhờ vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga và lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngày nay, trước tình hình kinh tế - chính trị xã hội trong nước và trên thế giới đang có những biến động mới, sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự giao lưu, hội nhập quốc tế càng mở rộng. Cùng với sự chống phá của các thế lực thù địch bằng “diễn biến hoà bình” với các thủ đoạn tinh vi và quyết liệt hơn, đang đặt ra cho cách mạng nước ta những yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ, học viên Học viện chính trị nói riêng, những người chủ trì về chính trị các đơn vị trong quân đội nhân dân Việt Nam cũng phải có những nhận thức và lập trường đúng đắn, vận dụng ý nghĩa to lớn của chiến thắng cách mạng tháng Mười Nga cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn quân đội và đơn vị, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của cách mạng, phải thường xuyên tự phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện không ngừng “lý luận gắn liền với thực tiễn” để có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức chính trị, lập trường quan điểm vững vàng, trình độ chuyên môn giỏi, xung kích, năng động, sáng tạo; đồng thời, phải có tinh thần học hỏi, khiêm tốn, cầu thị, tận tâm, tận lực đem trí tuệ của mình phục vụ quân đội, sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

LÊ ĐỨC
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét