Dư luận đang vô cùng bức xúc trước sự việc “nước mắm nhiễm Asen”. Dù các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục quá trình điều tra làm rõ bản chất của vụ việc nhưng có một sự thật không thể phủ nhận đó là nhiều cơ quan báo chí đã bẻ cong ngòi bút, bỏ qua đạo đức báo chí để rồi hướng lái dư luận theo một hướng hoàn toàn sai khác.
Điều đáng buồn là, câu chuyện nước mắm Asen không phải là câu chuyện cá biệt và là câu chuyện đầu tiên về cuyện sai phạm của cơ quan báo chí. Thời gian gần đây đã có quá nhiều câu chuyện liên quan tới việc sa sút đạo đức nghề báo.
Chắc hẳn chưa ai quên được câu chuyện phóng viên VTC giả làm videoclip về chuyện con cá chết trong 2 phút khi thả vào nước biển lấy từ Vũng Áng. Video clip đó đã gây ra một sự hoang mang lớn trong dư luận, nhất là thời điểm tình hình liên quan sự cố môi trường đang căng như dây đàn.
Và cũng chưa ai quên, câu chuyện phóng viên giả làm video clip lấy chổi quét rau để rồi sau đó những người trồng rau tại Thanh Hóa phải mang tiếng oan và lao đao vì câu chuyện nguồn bán rau bị sụt giảm.
Và giờ đây là câu chuyện nước mắm Asen. Và câu chuyện này còn nghiêm trọng hơn đó là cơ quan báo chí cố tình làm sai vì tiền.
Những câu chuyện trên cho thấy vấn đề đạo đức báo chí thực sự là một câu chuyện đáng báo động.
Những hiện tượng phổ biến trong giới báo chí hiện nay là gì? Đó là chuyện bỏ qua đạo đức nghề báo để rồi chạy theo xu hướng giật gân, câu khách rẻ tiền. Đó là chuyện cơ quan báo chí sẵn sàng làm giả thông tin, tài liệu để đánh lừa bạn đọc miễn là câu chuyện ấy có tính câu view, thu hút nhiều người đọc. Đó là câu chuyện phóng viên không xâm nhập thực địa mà ngồi phòng lạnh lượm nhặt thông tin trên mạng xào xáo thành bài (chuyện bố chồng nàng dâu, hình ảnh người phụ nữ trong cơn lũ tại miền Trung vừa qua). Đó là câu chuyện phóng viên cố tình lợi dụng vị trí của mình để tống tiền doanh nghiệp. Đó là chuyện phóng viên biến mình thành công cụ cho doanh nghiệp lợi dụng…
Và dường như tất cả đang cho thấy có vấn đề về việc tự do báo chí thái quá.
Báo chí luôn có chức năng tư tưởng, quản lý và khai sáng, giải trí. Thế nhưng với những hiện tượng trên, dường như một số cơ quan báo chí đang đánh mất hay nói đúng hơn là làm sai chức năng của mình.
Báo chí luôn được ví là quyền lực thứ tư trong xã hội, là binh chủng thứ tư. Chính vì vậy, sự sa ngã của phóng viên báo chí, sự suy đồi của đạo đức báo chí thực sự là vấn đề hệ trọng.
Cùng với việc tiếp tục tăng cường giáo dục đạo đức nghề báo, thiết nghĩ các cơ quan quản lí cần mạnh tay hơn nữa trong việc chấn chỉnh lại các sai phạm của báo chí.
Phải để báo chí trở về đúng nghĩa là báo chí cách mạng chứ không thể là thứ báo chí, truyền thông bẩn và truyền thông bất lương như thế này được.
VIỄN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét