NƯỚC MẮM NHIỄM ASEN VÀ CÂU CHUYỆN VỀ ĐẠO ĐỨC NHÀ BÁO

Nước mắm nhiễm Asen… Dường như tất cả các khúc mắc xung quanh vấn đề này đều trở thành câu chuyện đầu môi của nhiều cánh nhà báo tiêu cực, cố tình bóp méo sự thật trong mấy ngày qua. Báo chí là một cánh tay quyền lực của xã hội, bổ sung những món ăn tinh thần từng ngày, từng giờ cho mọi người. Nhưng món ăn đấy, thời gian qua cũng không hề “tươi ngon” như chúng ta vẫn tưởng.

Chắc hẳn chưa ai quên được câu chuyện phóng viên kênh truyền hình VTC làm video clip cá chết trong 2 phút ở Vũng Áng. Video này đã tạo một làn sóng thông tin tiêu cực, gây hoang mang trong dư luận cả nước. Hay câu chuyện ông Nguyễn Như Phong bị thu hồi thẻ nhà báo, cách chức Tổng Biên tập vì những sai phạm có hệ thống.


Và mấy ngày nay là câu chuyện nước mắm nhiễm thạch tín (asen) khiến năm hiệp hội nước mắm truyền thống phải ký tên vào đơn “kêu cứu” lên Thủ tướng và bộ liên quan đề nghị xử lý, ngăn ngừa những hành động gây thiệt hại đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam.

Ngay sau khi Vinastas công bố về hàm lượng thạch tín trong nước mắm. Dù thông tin chưa được kiểm chứng nhưng một số nhà báo đã ngay lập tức nhảy vào khai thác và đưa tin một cách liên tục, gây hoang mang trong dư luận và nhiều người sau này đã nói rằng, đó giống như một âm mưu thực hiện “chiến dịch truyền thông gây sợ hãi” của báo chí.

Đầu tiên, về bản Quy chuẩn trên, bất cứ một phóng viên làm về mảng vệ sinh an toàn thực phẩm nào cũng biết kiến thức cơ bản đó là asen vô cơ mới chính là thạch tín độc hại, còn asen hữu cơ là chất tồn tại tự nhiên trong hải sản, vốn dĩ có và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người. Không có chuyện phóng viên không biết mà vô tình viết bài. Trong trường hợp như vậy, nhất định các phóng viên báo chí phải nhận ra ngay uẩn khúc trong bản “Thông cáo báo chí” của Vinastas.

Hơn thế nữa, cùng một sự kiện, một tờ báo đưa tin sai, sau đó hàng loạt các cơ quan báo chí khác đưa tin y như nhau, giật tít y như nhau mà không có một phản ứng ngược lại của bất cứ cơ quan báo chí nào khác.

Chúng ta có quyền nghi ngờ, đây là một chiến dịch truyền thông thiếu lành mạnh của một bộ phận doanh nghiệp bắt tay với các nhà báo nhằm hạ uy tín nước mắm truyền thống, nâng cao chất lượng của nước mắm công nghiệp.

Với những câu chuyện đó, tự hỏi “báo chí cách mạng” nay đã tiêu biến đi đâu? Đạo đức nhà báo phải chăng đã chạy theo sức hút của đồng tiền? Nếu có sự câu kết ở đây để cố ý tạo thành một chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm con tốt nhằm làm lợi cho một nhóm doanh nghiệp và gây hại cho nhóm khác thì nó lại trở thành vấn đề khác. Đây không chỉ là vấn đề lương tâm mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Báo chí luôn có chức năng cung cấp và định hướng thông tin. Với cách định hướng này vô hình chung làm lệch lạc thông tin trong dư luận xã hội, gây hoang mang và những phản ứng xã hội tiêu cực. Chúng ta không chỉ bảo vệ quyền tự do của báo chí mà còn bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên báo chí của mọi công dân.

Thiết nghĩ, các cơ quan Nhà nước có liên quan cần điều tra làm rõ sự câu kết và âm mưu đằng sau sự việc này đồng thời xác định mức độ sai phạm và hậu của của sai phạm để xử lý đúng pháp luật nhằm lấy lại sự trong sạch cho những nhà báo có tâm, xử lý những kẻ bán rẻ lương tâm nhà báo. Trong đó có việc loại bỏ những phần tử lạm dụng quyền tự do báo chí, bẻ cong ngòi bút để tiếp tay cho các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh hoặc các nhóm lợi ích trong xã hội.

HỒNG HÀ

Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét