Mới đây ông Nguyễn Công Khế vừa có một bài viết trên trang Một Thế giới bày tỏ những suy nghĩ, trăn trở của ông trước sự việc “nước mắm nhiễm Asen”. Đọc bài viết này của ông mới thấy thấu hiểu ông đau lòng như thế nào trước việc báo Thanh niên là tờ báo đi đầu trong việc đăng tải các thông tin về việc nước mắm nhiễm Asen.
Không trăn trở sao được khi tờ báo ông một thời gắn bó, xây dựng nay là tờ báo được gắn với các cụm từ như truyền thông bẩn, truyền thông bất lương. Một tờ báo mà vì những đồng tiền đã cố tình bỏ qua tôn chỉ, mục đích của mình, cố tình quên đi thiên chức cao cả của báo chí.
Ai cũng biết báo chí là cơ quan ngôn luận thiết yếu có nhiệm vụ phản ánh đầy đủ chân thực, khách quan về mọi mặt, mọi vấn đề từ đó giúp định hình tư tưởng đúng đắn của nhân dân. Từ tư tưởng đó nó lại quyết định hành động của con người.
Báo chí có các chức năng to lớn như chức năng tư tưởng, chức năng quản lý và chức năng văn hóa-giải trí. Chình vì vậy thông tin trên báo chí rất quan trọng, nó có thể giết chết một doanh nghiệp, một ngành sản xuất chỉ bằng một bài báo.
Quay trở lại với vụ nước mắm nhiễm Asen, rõ ràng đã có một bộ phận phóng viên, biên tập viên báo chí bắt tay với doanh nghiệp, từ đó biến mình thành công cụ trong tay các doanh nghiệp đó để các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, bẻ cong ngòi bút của mình. Mục đích thì đã rõ, thông qua báo chí định hướng nhận thức và hành động của người tiêu dùng, từ đó tiêu diệt nước mắm truyền thống, dẫn dắt người dùng chuyển sang dùng nước mắm công nghiệp.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Khế viết:
“Đến giờ này, nó lại bị nhóm lợi ích nào đó kết hợp với một Hội gọi là bảo vệ Tiêu dùng và một nhóm truyền thông bất chính bố ráp tiêu diệt. Nó muốn tiêu diệt cả một món ăn quốc hồn quốc túy của bao đời người Việt Nam luôn nâng niu giữ gìn và làm cho nó quốc tế hóa đến nỗi đi đến ở đâu, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, người ta đều có nước mắm Việt trong siêu thị. Đó là sự nhẫn tâm không tưởng tượng được.”
Vâng, đó là một sự bất lương và một sự tàn nhẫn. Báo Thanh niên là một trong những tờ báo đó.
Và không chỉ bày tỏ nỗi buồn với báo Thanh niên, ông Nguyễn Công Khế còn bày tỏ nỗi trăn trở đối với thực trạng truyền thông hiện nay, cả truyền thông chính thống và truyền thông trên mạng xã hội. Theo ông Khế, truyền thông chính thống hiện nay cũng có nhiều phóng viên suy thoái đạo đức nghề báo, đưa tin không khách quan, chính xác. Còn truyền thông mạng còn tệ hại hơn, nhiều nguồn tin không thể kiểm chứng, trong đó có không ít trang là tin vịt, nhiều trang còn là do các tổ chức, cá nhân chống đối, thù địch Nhà nước Việt Nam lập ra để tuyên truyền chống Nhà nước.
Ông viết:
“Với tình trạng các trang mạng và blog ở Việt Nam, nhiều trang đọc rất thú vị, bổ ích và nhiều thông tin hơn các trang trên báo chính thống. Nhưng ngược lại, có những trang tôi không thể nào chịu nổi. Báo chí hay blog, facebook, đối với những người chủ của nó chỉ có lương tâm trách nhiệm ràng buộc chứ chả có ai kiểm soát nổi cả.”
Giải pháp cho vấn đề báo Thanh niên nói riêng cũng như báo chí nói chung hiện nay không có cách nào khác hơn là cần một cuộc đại phẫu để chấn chỉnh lại mọi thứ, nhất là đạo đức nghề báo. Người viết hoàn toàn tán đồng với quan điểm của ông Nguyễn Công Khế:
Truyền thông của Việt Nam phải cần một cuộc đại phẫu từ công tác chỉ đạo, quản lý, nhất là phải giáo dục nghề nghiệp và đạo đức cho các phóng viên trẻ, mà không chỉ đối với các phóng viên trẻ không thôi đâu. Tôi tin việc đó chúng ta sẽ làm được vì trong làng báo chúng ta, còn rất nhiều người tài hoa, tâm huyết với nghề và đạo đức mà tôi từng biết.
VIỄN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét