"ĐỔI MỚI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ" KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ...

Lữ Khách
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (Nguồn: Internet). 

Nếu được hỏi đến thời điểm hiện tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII có điều gì là ấn tượng thì tôi sẽ trả lời ngay là phần tham luận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh. Những ai quan tâm xin xem thêm bài phát biểu: tại đây. Về lí do thì đó chính là việc Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã vượt qua sự sáo mòn, khuôn mẫu thường thấy của các bài tham luận tại các kỳ đại hội. Theo đó, như Mõ Làng tường thuật lại thì: "Bài phát biểu của ông đề cập đến vấn đề kinh tế là chủ yếu vì vai trò của ông là kế hoạch đầu tư. Tuy nhiên ông cũng đã đề cập đến cả vấn đề hệ thống chính trị với một phương diện rất khéo léo. Chậm đổi mới hệ thống chính trị đang cản trở sự phát triển kinh tế. Vì vậy, phải cải cách hệ thống chính trị, ông nói:

"70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay đổi. Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay đã không còn phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường, thậm chí là rào cản, trở ngại cho sự phát triển..."

                                      
Cái đáng hoan nghênh hơn cả trong bài phát biểu của Bộ trưởng Vinh chính là thái độ nhìn thẳng và dám nói thật về một điều mà tôi tin là không ít người đã thấy, đã nghe và đã hơn một lần dặn lòng mình cần nói ra ở một diễn đàn hay một cuộc hội thảo nào đó. Cụ thể hơn khi nhìn những sự yếu kém của nền kinh tế nước nhà, những thua thiệt đủ đường của doanh nghiệp, người dân trong nước đại đa số các lí giải thường đổ lỗi cho hai chữ "Cơ chế"; họ cũng không ngần ngại sự lỗi thời, chậm tiến về mặt "Cơ chế" đang là nguyên nhân chính khiến không chỉ lĩnh vực kinh tế mà nhiều lĩnh vực khác đang rơi vào nguy cơ lạc hậu, tụt dốc so với thế giới. 

Vậy nhưng, rất ít người có được sự thẳng thắn, nói thật như Bùi Quang Vinh khi dám nhìn thêm, phát triển thêm và đi đến tận cùng của một hiện tượng để đánh giá bản chất của vấn đề. Và ông đã tìm ra nguyên nhân khiến xã hội, đất nước đang tồn tại những cơ chế lạc hậu đó không ngoài việc "chậm đổi mới hệ thống chính trị". Tuy nhiên, đến đây có một câu hỏi được đặt ra là phải chăng vấn đề này được nói lần đầu từ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh? và phải chăng đổi mới hệ thống chính trị là một điều gì đó quá hệ trọng, quá đụng chạm đến nền tảng tư tưởng và con đường mà Việt Nam đang theo đuổi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản? Tin chắc rằng trả lời được 02 câu hỏi này chúng ta sẽ nhận thức đúng hơn về những nội dung trong bài tham luận của Bộ trưởng Bộ KH& ĐT Bùi Quang Vinh. 

Ở câu hỏi thứ nhất: "phải chăng vấn đề này được nói lần đầu từ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh?" thì xin khẳng định luôn là ông Vinh không phải là người đầu tiên nói ra những điều này bởi trên thực tế tại nhiều văn kiện của Đảng, Nghị quyết của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI và các hội nghị Tổng kết của Đảng và các ban trực thuộc đã không ít  lần nhấn mạnh đến sự tương thích giữa cơ chế phát triển kinh tế và hệ thống chính trị. Một nền kinh tế muốn thực sự phát triển đúng nghĩa và bền vững thì các cơ chế vận hành từ hệ thống chính trị luôn phải có sự tương thích nhất định. Nó cũng giống như để một đứa học sinh có tiềm năng phát triển thì ngoài việc có đủ chất dinh dưỡng trong ăn uống thì chính nó cũng cần một người thầy giỏi. 

Trả lời được câu hỏi này đã phần nào xóa tan được việc xem bài tham luận của Bộ trưởng Vinh như một “hiện tượng” gây tiếng vang; là một điều chưa có bao giờ và chính điều này cũng góp phần ngăn chặn những kẻ a dua lợi dụng để phê phán, cho rằng Đảng cộng sản VN chậm đổi mới và không chịu đổi mới.... 

Ở câu hỏi thứ hai: "và phải chăng đổi mới hệ thống chính trị là một điều gì đó quá hệ trọng, quá đụng chạm đến nền tảng tư tưởng và con đường mà Việt Nam đang theo đuổi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản?"

Có lẽ trong tư duy của rất nhiều người Việt Nam, mỗi khi nhắc đến cụm từ "đổi mới hệ thống chính trị" họ sẽ nghĩ ngay tới một sự thay đổi có tính chất nền tảng, thậm chí là sự thay đổi có tính bước ngoặt như cái cách Liên Xô đã từng làm vào những năm cuối 80, đầu 90 và dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống XHCN tại LIên Xô và Đông Âu đầu những năm 90. Đây cũng là nguyên nhân chính dù không ít người dù thấy rất rõ sự cần thiết của việc 'Đổi mới hệ thống chính trị" để tạo động lực đưa đất nước đi lên nhưng do thiếu sự dũng cảm, sợ bị người khác, tập thể quy chụp nên thay vì "phát triển", đi đến tận cùng nguyên nhân của sự yếu kém thì họ chỉ dừng lại ở hai chữ "Cơ chế" như đã được nói ở trên. 

Tuy nhiên, thực chất "đổi mới hệ thống chính trị" không phải là vấn đề gì đó quá hệ trọng tới sự kiên định của một nền tảng tư tưởng, một học thuyết hay một mô hình chế độ hiện thời. Theo đó,  "đổi mới hệ thống chính trị" có nghĩa chúng ta sẽ đi cắt bỏ, phá bỏ những gì được cho là không hợp lý, không cần thiết trong bộ máy đang vận hành, đang hiện có. Đồng thời, sẽ bổ sung vào đó những điều có tính động lực, thúc đẩy những điều tiến bộ, tích cực. 

Quá trình "đổi mới chính trị" mặc dù sẽ có những rủi ro nhất định, nguy cơ "chệch hướng" sẽ hoàn toàn xảy ra nếu người thực hiện không bám vào những nguyên tắc có tính nền tảng. Song xin khẳng định lại "đổi mới chính trị" không đồng nghĩa chúng ta bỏ đi nền tảng tư tưởng này để đi theo nền tảng khác. Đó cũng chính là thông điệp xin gửi tới những ai đã theo dõi bài tham luận của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại đại hội vừa qua. 
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét