QUAN NHẤT THỜI, DÂN VẠN ĐẠI – NHÂN DÂN KỲ VỌNG Ở ĐẠI HỘI XII

Thành ngữ có câu “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Câu ấy có nghĩa là: “Làm quan chỉ có thời hạn, còn làm dân thì mãi mãi, dân lúc nào cũng là dân. Do vậy, làm quan phải thế nào để khi đương chức cũng như khi mãn nhiệm được dân tin, dân quý” (Theo http://www.bachkhoatrithuc.vn). Câu thành ngữ như lời nhắn nhủ nhẹ nhàng mà sâu sắc đối với những người “làm quan”, đồng thời cũng khẳng định vai trò của “dân” trong mọi thời đại, mọi thể chế chính trị. Chỉ có nhân dân là trường tồn mãi mãi, còn “quan” thì chỉ có một hạn định mà thôi. Bởi thế, “quan” phải thế nào cho xứng với sự kỳ vọng, niềm tin của nhân dân, để đến khi “Cởi bỏ mũ ô sa”, hết “quan” thành “dân”, khi ấy dân còn tin yêu, kính trọng. Có vậy, đất nước mới phát triển, non sông vững bền và lòng người mới quy phục.

Trong tiến trình lịch sử dân tộc ta, mối quan hệ “quan” – “dân” luôn được khái quát ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đặc biệt là sức mạnh, vai trò của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi khẳng định: “Làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn khẳng định: “Dân là gốc”. Chính vì vậy, người “làm quan” phải luôn chăm lo cho cuộc sống nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, bởi nhân dân chính là gốc, là cội nguồn, là động lực phát triển và hiện minh của sự trường tồn vĩnh cửu. Bác Hồ từng dạy cán bộ, đảng viên trong Di chúc: “Phải làm người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Lúc sinh thời, Người cũng từng nói: “Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ phải làm nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.

Đại hội Đảng lần thứ XII có ý nghĩa hết sức trọng đại đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Vấn đề lựa chọn những cán bộ lãnh đạo vừa có “tâm” lại vừa có “tầm” trở thành nhân tố quyết định đến hướng đi của dân tộc, đến cuộc sống hạnh phúc của nhân dân, đến sự vững bền của non sông đất nước. Công tác nhân sự của Đại hội XII được Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt quan trên tinh thần coi cán bộ và công tác cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, “then chốt của then chốt”. Do đó, Trung ương xác định tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII rất cụ thể, rõ ràng (Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI). Trong đó nhấn mạnh: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải…; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay”.

Như vậy, vấn đề nhân sự hay nói cách khác vấn đề chọn người “làm quan” rất hệ trọng, Đại hội XII đặc biệt quan tâm, thẳng thắn và trách nhiệm với vấn đề này. Mỗi đại biểu tham dự Đại hội XII ý thức sâu sắc sứ mệnh của mình đối với nhân dân, đất nước. Đại hội XII đang diễn ra, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc vấn đề nhân sự nhằm hạ uy tín của Đảng, Nhà nước. Nhưng nhân dân tin tưởng và đặt kỳ vọng lớn lao ở Đại hội XII, ở trách nhiệm và phẩm đức của từng vị đại biểu tham dự Đại hội. Kỳ vọng rằng Đại hội sẽ chọn ra những “quan” biết đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên tất cả, tận tụy phục vụ đất nước và nhân dân.


Hà Hoàng
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét